Xã Phù Ủng nằm ở phía Bắc của huyện Ân Thi. Phía Đông giáp với xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (ranh giới tự nhiên là sông Kẻ Sặt), phía Tây giáp với xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi và xã Ngọc Lâm, TX Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, phía Nam giáp xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, phía Bắc giáp với xã Ngọc Lâm, TX Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (ranh giới tự nhiên là sông đào Bắc Hưng Hải) và xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Phù Ủng luôn nỗ lực xây dựng và bảo vệ chính quyền vững mạnh, phát huy thành quả cách mạng. Xã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động, đào tạo đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển KT - XH. Vì vậy, nhiều năm qua, xã được Huyện uỷ, UBND huyện công nhận Đảng bộ, chính quyền đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”. Năm 2019, chính quyền xã đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”; được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối xã, thị trấn.
Với vị trí gần quốc lộ 5A, giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường thuỷ, xã có nhiều lợi thế phát triển kinh tế công nghiệp và thương mại dịch vụ. Xã được UBND tỉnh phê duyệt cụm công nghiệp với diện tích 40 ha; Chính phủ phê duyệt khu công nghiệp Bãi Sậy - Phù Ủng 300 ha, trong đó xã có 200 ha. Công tác tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, huyện và địa phương được thực hiện tốt tạo đồng thuận giữa chính quyền với nhân dân trong thu hút các dự án đầu tư. Đến nay, cụm công nghiệp của xã thu hút 5 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Làng nghề chạm bạc Huệ Lai có hơn 200 hộ, tạo việc làm thường xuyên cho 430 lao động là người địa phương với mức thu nhập ổn định.
Với những chủ trương phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương cũng như truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người dân đã đem lai sự đổi thay nhanh chóng. Từ một vùng quê thuần nông, đến nay Phù Ủng đã thực sự chuyển mình vươn lên, kinh tế phát triển bền vững. Những con đường giao thông nông thôn nhỏ bé, lầy lội trước đây được thay bằng những tuyến đường lớn, ngày ngày xe cộ qua lại ngược xuôi, kinh doanh buôn bán sầm uất. Các công trình phúc lợi được xã quan tâm đầu tư phát triển.
Ngoài những điều kiện về phát triển kinh tế, xã Phù Ủng còn có Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Đền Phù Ủng, nơi tôn thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, vị tướng tài danh đời Trần – người có công lớn giúp Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông và quân Ai Lao..
Hàng năm cứ mỗi độ tết đến, xuân về, người dân trong và ngoài tỉnh Hưng Yên lại về dự lễ hội truyền thống đền Phù Ủng (Huyện Ân Thi). Lễ hội bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 15 tháng giêng. Trong các ngày chính hội có các nghi lễ như: Đại lễ, tế nội tán, ngoại tán. Lễ hội được tổ chức sôi động với nghi thức rước Cung phi Tĩnh Huệ (con gái tướng quân Phạm Ngũ Lão) từ Phủ Chúa về Lăng Phạm Tiên Công để trình Ông và rước về đền thờ Phạm Ngũ Lão để trình cha. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: kéo co, vật cù... Các hoạt động thể thao, văn nghệ lành mạnh cũng được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi trong lễ hội.
Chùa Phúc Lâm tọa lạc tại thôn La Mát, xã Phù Ủng cũng là địa điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều lượt du khách với phong cảnh làng quê yên bình và thanh tịnh cũng là một trong những ngôi chùa thu hút nhiều lượt du khách ghé thăm hàng năm.