Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, cách thức của việc học tập ở mỗi thời đại, mỗi xã hội cũng có những chỗ khác nhau. Đã xa rồi lối suy nghĩ học tập chỉ dành cho người trẻ tuổi, chỉ cần học lấy bằng cấp, học một cách thụ động… Ngày hôm nay chúng ta tổ chức buổi lễ này là để cùng nhắc nhở nhau tiếp tục gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học có phương pháp, học tập cho mọi đối tượng.
Hiếu học, ngày xưa được xem như một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.
Học tập không phải là việc ngày một, ngày hai mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người, không chỉ học ở trường học mà là học ở tất cả mọi nơi. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, đất nước ta đang hướng đến việc hội nhập với các nước trong khu vực ASEAN, người lao động trong nước đang phải cạnh tranh với lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao của khu vực. Xét ở khía cạnh mưu sinh, nếu không liên tục học tập, nâng cao chất lượng lao động về mọi mặt, trong tương lai chúng ta cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi muốn khẳng định bản thân và cũng như cạnh tranh với bạn bè trong khu vực được ngay tại quê hương Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em học sinh cần tích cực chuẩn bị để trở thành những công dân toàn cầu.
Thứ hai, gia đình là cái nôi đầu tiên của sự học. Cha mẹ luôn cần đồng hành và hỗ trợ con em mình trong hành trình khám phá tri thức. Muốn thế, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng phải học tập suốt đời để có thể bước đi cùng nhau.
Đối với người thầy, nếu có ý thức học tập suốt đời, biết tự bù đắp và bổ sung tri thức, hơn hết là kỹ năng, thì lợi ích nhận được không phải chỉ cho bản thân mà còn cho học sinh, những điều các em xứng đáng được hưởng, như một quyền lợi.
Cho nên ý thức học tập suốt đời phải được thấm sâu, lan tỏa, trở thành nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể. Mỗi người luôn cần có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những giới hạn hiện tại của tri thức, tự tạo ra những chân trời tri thức mới và không ngừng trau dồi kỹ năng sống cho bản thân.
Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập suốt đời, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai những đề án có tính lâu dài, rộng khắp và đầy ý nghĩa. Sự thay đổi đầu tiên là xây dựng người thầy trở thành hình mẫu trong việc chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện nhân cách. Người thầy thời đại mới là "người thầy đi tới" với những bước đi khám phá chứ không phải "người thầy đứng lại để chiêm nghiệm". Chỉ cần một chút tự thỏa mãn người thầy sẽ tụt hậu so với bối cảnh giáo dục mới, thua kém bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là thua kém học sinh. Trước kia, nhà giáo thường rất ý thức trau dồi chuyên môn nhưng ít chú ý đến những giá trị nền tảng, kỹ năng sống. Học tập suốt đời buộc nhà giáo phải bổ sung những mặt thiếu sót này. Khi đó, người thầy sẽ trở thành một bài học sống động về học tập suốt đời và nhận được ở trò sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Như trên đã nói, hành trình của thầy và trò luôn song hành. Những bước đi đầu tiên trên hành trình của trò luôn cần bàn tay của người thầy. Song, người thầy thời đại mới phải hiểu rằng chỉ có một cách giữ các em ở lại lâu nhất trên hành trình học tập chính là việc thầy phải khơi dậy đam mê và nỗ lực hoàn thiện bản thân của trò, xây dựng tinh thần, thái độ học tập tích cực.